Tràn lan nội dung ‘bẩn'
Hứa Quốc Anh là cái tên mới nhất gây phẫn nộ khi đăng tải clip tham quan đền Angkor Wat (Campuchia) song lại lồng ghép nhạc và sử dụng hình ảnh quốc kỳ của Thái Lan. Kể cả khi được góp ý,ạnhtayloạibỏrácmạngxãhộbún chả hà nội người này còn thẳng thắn đáp rằng bản thân không thích Campuchia. Đến hiện tại, mặc dù Hứa Quốc Anh đã lên tiếng xin lỗi song làn sóng chỉ trích chưa dừng lại. Nhiều người cho rằng những trường hợp xây dựng nội dung thiếu suy nghĩ như TikToker quê An Giang cần bị xử lý nghiêm để làm gương.
Nờ Ô Nô cũng từng trở thành tâm điểm chỉ trích vì clip có thái độ xem thường, xúc phạm người lớn tuổi. Trong một video được đăng tải hồi cuối năm 2022, nhà sáng tạo nội dung này dùng những lời lẽ khó nghe đối với một cụ bà như: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa” hay “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”… Sự việc khiến Nờ Ô Nô bị xóa kênh, đồng thời bị Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Thực tế gần đây, việc các nhà sáng tạo đăng tải những clip có nội dung phản cảm trên các nền tảng, mạng xã hội, đặc biệt là TikTok không còn quá xa lạ. Trường hợp 4 cô gái mặc áo hồng uốn éo, nhảy nhót tại nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị tăng ni trong chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Chánh thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Bắc Giang khi đó đã ra quyết định xử phạt đối với người đăng video, tuy nhiên số tiền 5 triệu đồng được xem là chưa đủ răn đe.
Hồi tháng 7.2022, clip một cô gái trẻ nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay, cố ý không chấp hành quy định về an toàn hàng không cũng gây bất bình. Hay trường hợp của Lê Bống cũng từng khiến dân mạng phẫn nộ vì clip đặt điện thoại bên cửa sổ rồi kéo tấm rèm che cửa để quay cảnh máy bay cất cánh. Hành động này dấy lên nhiều lo ngại về an toàn hàng không, khiến cô phải lên tiếng xin lỗi sau khi nhận chỉ trích từ dân mạng.
Gần đây nhất, clip hóa trang thành Đức Phật để livestream bán hàng với những lời lẽ thiếu chuẩn mực trên TikTok của tài khoản N.B lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc. Nhiều người tức giận cho rằng đây là hành vi phản cảm, xúc phạm đến tôn giáo. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp nhiều nhà sáng tạo nội dung dùng hình thức chửi bới hay review đồ ăn theo nội dung tiêu cực khiến người xem ngán ngẩm.
TikToker Việt Nam gây phẫn nộ vì clip câu view bằng hình ảnh Angkor Wat
Mạnh tay xử lý
Dù các nền tảng luôn có các bộ nguyên tắc cộng đồng và người dùng có thể báo cáo vi phạm, nhưng các video ngắn độc hại vẫn không ngừng lan truyền, khiến người dùng hoài nghi rằng đây có phải là phương pháp để mang về lượt tương tác “khủng" cho kênh. Không thể phủ nhận vì để tăng tương tác, hút quảng cáo, được lời mời đi sự kiện mà một số TikToker bất chấp chuyện bị chỉ trích, tiếp tục sản xuất nội dung gây tranh cãi.
Nội dung “bẩn” có thể giúp các chủ tài khoản được chú ý nhanh nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, có thể hoàn toàn phá tan "sự nghiệp" gây dựng lượng theo dõi thời gian qua. Thực tế đã chứng minh thông qua câu chuyện Nờ Ô Nô bị xóa kênh, phạt hành chính sau những phát ngôn thiếu chuẩn mực dành cho người lớn tuổi. Hay giờ đây, Hứa Quốc Anh cũng đang đối diện với làn sóng chỉ trích gay gắt từ người dùng TikTok và trang cá nhân của anh cũng “bay màu" sau khi vụ việc xảy ra. Bàn luận về câu chuyện này, một bạn đọc bày tỏ: “Phải nói là sống ảo nhưng việc đầu tư quả cũng rất công phu tốn kém, đặc biệt lại thêm thiếu sự hiểu biết. Đúng là mua danh ba vạn, nhưng bán danh chỉ ba đồng".
Thạc sĩ Trần Ngọc Anh Vũ, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông thuộc Trường đại học Văn Lang TP.HCM, cho rằng các clip phản cảm thường tăng tính giải trí, tò mò và thu hút nhiều người quan tâm hơn. Tuy nhiên, ông Vũ đánh giá những video có nội dung độc hại làm người dùng có nhận thức sai lệch. “Nội dung phản cảm khi có các hành động, câu nói thiếu tế nhị sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến trẻ em với bản tính thích bắt chước người lớn. Nếu không được kiểm duyệt và gỡ bỏ, các clip phản cảm sẽ còn lưu vết trên mạng và kéo theo sự phát triển của hệ thống tìm kiếm sẽ làm cho các nội dung này ảnh hưởng xấu qua nhiều thế hệ”, thạc sĩ Anh Vũ nêu quan điểm.
Thạc sĩ Anh Vũ cũng cho biết một số mạng xã hội có đội ngũ kiểm duyệt trước khi bài đăng được phép công khai. Tuy nhiên vì số lượng video mỗi ngày quá lớn nên đôi khi nội dung có tính chất phản cảm vẫn “lọt lưới". “Để hạn chế điều này, đầu tiên cần quản lý chặt chẽ khâu kiểm duyệt trên từng tài khoản sáng tạo, đảm bảo về việc xây dựng bộ quy tắc cần tuân thủ. Ngoài ra, mỗi nhà sáng tạo nội dung có trách nhiệm hơn trong chính những gì mình chia sẻ với mọi người”.
Bạn đọc M.D (TP.HCM) cho rằng người dùng dễ dãi sẽ tạo cơ hội cho các video độc hại đạt tương tác “khủng". Cho nên ngoài việc đưa ra những nguyên tắc đối với các nhà sáng tạo nội dung thì người dùng cần phải tỉnh táo. “Chúng ta hãy tỉnh táo, tự phân biệt điều đúng - sai không để bị cuốn vào vòng xoáy “drama” không hồi kết. Và đặc biệt là không tiếp tay lan truyền những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, vì đôi khi những hành động vô thưởng vô phạt ấy cũng có thể để lại hậu quả khôn lường. Lướt mạng bằng lý trí không chỉ là “ngón tay”, thì chắc chắn chất lượng nội dung sẽ tỷ lệ thuận với trình độ dân trí”, M.D nêu quan điểm.